Báo cáo mới nhất của Nielsen cho biết, 72% người trẻ từ 25-35 tuổi ở Sài Gòn vẫn chưa thể sở hữu một căn nhà do giá nhà quá cao so với mức thu nhập của họ. Thống kê mới nhất của CBRE cũng chỉ ra rằng, trung bình mỗi năm thu nhập người lao động tăng khoảng 5-10%, trong khi chung cư có tốc độ tăng giá 10-15%/năm. Tính ra mức tăng lương bình quân của giới trẻ Sài Gòn khó có thể theo kịp tốc độ tăng giá của nhà đất, và ước mơ có nhà của họ sẽ rất xa vời.
Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng với cơ cấu đạt 96,2 triệu người, trong đó đối tượng người trẻ dưới 35 tuổi chiếm khoảng 36%. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam xấp xỉ 2.600 USD/năm, riêng ở TP.HCM khoảng 6.400 USD/năm, trung bình từ 9-10 triệu đến dưới 20 triệu/tháng. Theo ghi nhận của DKRA Viet Nam, trong 10 năm qua, tỷ lệ người trẻ dưới 35 tuổi trong số lượng khách hàng mua nhà ngày càng tăng, hiện tại đạt mức 23%.
Ông Phạm Lâm, TGĐ Công ty DKRA Việt Nam nhận định, nếu so sánh giữa thu nhập của đại bộ phận người trẻ Việt Nam trong vòng 5 năm qua với mức độ gia tăng giá nhà, việc sở hữu BĐS ngày càng khó. Cụ thể, tính từ năm 2015 đến nay, giá nhà đã tăng 50-60%, nhiều khu vực nóng giá còn tăng 60-100%. Trong khi nguồn cung nhà giá rẻ (giá dưới 25 triệu/m2) sụt giảm nghiêm trọng. Cá biệt trong quý 2 và quý 3/2019, thị trường không có căn hộ giá rẻ nào được mở bán.
Không chỉ nguồn cung hạn chế, mặt bằng giá nhà cũng điều chỉnh tăng mạnh. Căn hộ trung bình từ 21 triệu/m2 nay tăng lên 36 triệu/m2, căn hộ bình dân năm 2015 khoảng 16 triệu/m2 nay đã lên 25 triệu/m2. Mức tăng giá của đất nền còn “khủng” hơn khi trong 5 năm qua tăng hơn 100% đến 200%, cá biệt nhiều nơi tăng gấp 3-4 lần. Giá nhà đất tăng phi mã trong khi thu nhập, lương của người lao động chỉ tăng 5-10%, gần như không theo kịp tốc độ tăng giá đất.
“Làm bài toán nhỏ về chi tiêu, với 15 triệu đồng/tháng, người trẻ phải chi 9 triệu làm sinh hoạt phí, tích lũy 6 triệu/tháng thì 1 năm còn dư được 72 triệu đồng. Nếu muốn mua căn hộ khoảng 1,5 tỷ đồng (căn hộ rẻ nhất hiện nay) thì người trẻ phải mất khoảng 20 năm. Nhưng lúc đó, giá nhà đã không còn đứng yên ở mức 1,5 tỉ đồng/căn mà có lẽ đã tăng gấp mấy trăm phần trăm”, ông Lâm phân tích.
Nếu tính theo hướng vay tiền mua nhà, thu nhập 15 triệu/tháng, nếu mỗi tháng trừ hết chi phí trả gốc và lãi cho ngân hàng, người mua chỉ còn được khoảng 3,8-4 triệu đồng. Với số tiền này họ sẽ không sống được ở TP.HCM, mà phải có thu nhập ít nhất khoảng 20 triệu/tháng mới có thể mua được căn nhà 1 tỷ đồng. Tuy nhiên dòng sản phẩm căn hộ 1 tỷ đồng hiện đã không còn xuất hiện tại TP.HCM.
Đề xuất chính sách cho người trẻ mua nhà, ông Phạm Lâm cho rằng Chính phủ phải có chương trình nhà ở cho người lần đầu tiên sở hữu nhà mang tính lâu dài hoặc kết hợp thành một chương trình nhà ở quốc gia chỉ dành cho những người mua nhà ở lần đầu. Vấn đề nhà ở xã hội hiện tại cần có những cải tiến về quy trình thủ tục giấy tờ, đồng thời có những cơ chế chính sách phù hợp khuyến khích CĐT tham gia nhiều hơn vào phân khúc này. Thành phố cần xem xét vấn đề quy hoạch và quỹ đất, phải có khu dành cho loại hình nhà ở vừa túi tiền hoặc chương trình mua nhà ở lần đầu, có cơ chế chính sách trong quản lý hệ thống thông tin về nhà đất minh bạch hơn.
Với khách hàng, cần lưu ý và cân nhắc điều kiện tài chính của bản thân, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực tài chính và xác định rõ nhu cầu sở hữu nhà ở cũng như thu nhập thực tế và năng lực tài chính đảm bảo việc chi trả nhà trong dài hạn, cũng như chi phí sinh hoạt cuộc sống sau khi cấn trừ khoản tiền góp nhà hàng tháng. Người trẻ nên lựa chọn nhà ở xã hội hoặc nhà của những dự án, CĐT có chương trình/chính sách bán hàng thuận tiện, ưu đãi. Bên cạnh đó, người mua cũng cần có kế hoạch vay và trả nợ vay ngân hàng phù hợp với thu nhập ổn định; gia tăng thu nhập và phân bổ kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả; theo dõi biến động của thị trường và ít nhất phải chuẩn bị tiền có sẵn từ 30-50% giá nhà định mua.
(Theo TC Thanh niên)