Có thể nói, diện mạo khu Đông Sài Gòn (gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) có được như ngày hôm nay phần lớn là nhờ vào những công trình hạ tầng giao thông. Sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt khu dân cư và cao ốc, biến nơi đây thành điểm đến thu hút nhà đầu tư.

1. Đường hầm sông Sài Gòn

Chính thức thông xe vào tháng 11/2011 sau 7 năm thi công, đường hầm sông Sài Gòn (hay còn gọi là hầm Thủ Thiêm) là hạng mục quan trọng nhất của dự án đại lộ Đông – Tây. Không chỉ giải toả áp lực cho cầu Sài Gòn, tuyến đường qua hầm Thủ Thiêm còn góp phần rút ngắn khoảng cách di chuyển từ trung tâm TP.HCM về các tỉnh miền Đông Nam bộ, tạo động lực phát triển cho khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cận cảnh 5 công trình hạ tầng làm thay đổi diện mạo khu Đông Sài Gòn
Hầm Thủ Thiêm là một hạng mục quan trọng nhất của dự án Đại lộ Đông – Tây
Hầm Thủ Thiêm được thiết kế 6 làn xe, từ cầu Calmette chìm xuống đáy sông Sài Gòn và nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm tại đường T13 với tổng chiều dài 1.490 mét. Tốc độ xe lưu thông trong hầm đạt 60 km/h, thiết kế hầm có thể chịu được động đất 6 độ Richter và có tuổi thọ 100 năm.

Cận cảnh 5 công trình hạ tầng làm thay đổi diện mạo khu Đông Sài Gòn
Công trình này góp phần lớn vào sự hoàn chỉnh hạ tầng khu Đông Sài Gòn
2. Đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây

Được xây dựng vào tháng 10/2009, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có tổng chiều dài 55,7 km, với tổng vốn đầu tư lên đến 20.630 tỷ đồng do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư. Đây là tuyến đường cao tốc nối TP.HCM với tỉnh Đồng Nai, chia làm 2 giai đoạn và chính thức thông xe toàn tuyến vào tháng 2/2015.

Cận cảnh 5 công trình hạ tầng làm thay đổi diện mạo khu Đông Sài Gòn
Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây chính thức thông xe toàn tuyến từ tháng 2/2015
Tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là một hạng mục của hệ thống đường bộ cao tốc Bắc – Nam, nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cận cảnh 5 công trình hạ tầng làm thay đổi diện mạo khu Đông Sài Gòn
Có tuyến cao tốc này, đoạn đường từ TP.HCM đi Vũng Tàu được rút ngắn từ 120km xuống còn 95km
Sau khi tuyến cao tốc này đưa vào khai thác, đoạn đường từ TP.HCM đi Vũng Tàu chỉ còn 95km với thời gian khoảng 1 giờ 20 phút thay vì phải đi 120km và 2 giờ 30 phút như trước. Bên cạnh đó, quãng đường từ TP.HCM đi Ngã ba Dầu Giây cũng được rút ngắn từ 70km xuống còn 50km.

3. Đại lộ Phạm Văn Đồng

Có chiều dài 13,6km và rộng từ 30 – 65 mét, đại lộ Phạm Văn Đồng thuộc tuyến đường vành đai số 1, kéo dài từ sân bay Tân Sơn Nhất đến ngã tư Linh Xuân, quận Thủ Đức. Có tổng vốn đầu tư 340 triệu USD do Tập đoàn GS (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư, đây là dự án đầu tiên ở Việt Nam do nước ngoài đầu tư xây dựng theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).

Cận cảnh 5 công trình hạ tầng làm thay đổi diện mạo khu Đông Sài Gòn
Đại lộ Phạm Văn Đồng là dự án đầu tiên ở Việt Nam do nước ngoài đầu tư xây dựng theo hình thức BT
Được thông xe toàn tuyến vào năm 2015, đại lộ Phạm Văn Đồng được xem là tuyến đường nội đô đẹp nhất TP.HCM, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông cho khu vực nội thành và cửa ngõ phía Đông Bắc, thúc đầy phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Cận cảnh 5 công trình hạ tầng làm thay đổi diện mạo khu Đông Sài Gòn
Đây được xem là tuyến đường nội đô đẹp nhất TP.HCM
4. Tuyến đường sắt đô thị metro Bến Thành – Suối Tiên

Thuộc dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7 km. Điểm đầu của tuyến tại chợ Bến Thành, đi ngầm đến ga Ba Son sau đó chạy dọc theo rạch Văn Thánh ngang qua sông Sài Gòn, tiếp tục chạy dọc xa lộ Hà Nội và kết thúc tại ga Bến xe Miền Đông mới.

Cận cảnh 5 công trình hạ tầng làm thay đổi diện mạo khu Đông Sài Gòn
Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên có chiều dài 19,7km
Toàn tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên có 14 ga, trong đó có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Ngoài ra, có 1 nhà Depot đặt tại phường Long Bình, quận 9, đây là khu trung tâm điều khiển và bảo dưỡng tàu của tuyến đến năm 2040.

Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên được phê duyệt lần đầu tiên năm 2007 với tổng mức đầu tư 17.400 tỷ đồng. Đến năm 2011, dự án được điều chỉnh lên mức 47.300 tỷ đồng, tăng hơn 30.000 tỷ đồng so với tính toán ban đầu. Những vướng mắc trong việc phê duyệt tổng mức đầu tư và “đói” vốn đã khiến dự án metro số 1 bị trì trệ, lỗi hẹn thời điểm đưa vào hoạt động năm 2020.

Cận cảnh 5 công trình hạ tầng làm thay đổi diện mạo khu Đông Sài Gòn
Những vướng mắc trong việc phê duyệt tổng mức đầu tư và “đói” vốn đã khiến cho tuyến metro đầu tiên của TP.HCM liên tục lỡ hẹn ngày hoạt động
Tuy vậy, dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên khi thành hình sẽ giúp kết nối với các tuyến metro khác trong tương lai và các trạm xe buýt dọc tuyến, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng lựa chọn lộ trình và hình thức di chuyền phù hợp.

5. Bến xe Miền Đông mới

Bến xe Miền Đông mới toạ lạc tại phường Long Bình, quận 9, TP.HCM và Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, đây là dự án khu phức hợp với tổng diện tích 16 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng. Được khởi công từ tháng 4/2017, bến xe có quy mô lớn nhất Việt Nam này được thiết kế phục vụ 7 triệu lượt khách/năm.

Cận cảnh 5 công trình hạ tầng làm thay đổi diện mạo khu Đông Sài Gòn
Bến xe Miền Đông mới sẽ là khu phức hợp quy mô 16ha, là bến xe lớn nhất nước
Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành các công trình vệ tinh quanh Bến xe Miền Đông mới như cầu vượt, hầm chui, cải tạo mở rộng Quốc lộ 1, mở rộng đường Nguyễn Hữu Nam… Khi đó, thành phố sẽ di dời 85 tuyến xe khách cố định từ Huế, miền Trung, Đồng Nai, Lâm Đồng, khu vực miền Tây từ bến xe Miển Đông (cũ) về đây.

Cận cảnh 5 công trình hạ tầng làm thay đổi diện mạo khu Đông Sài Gòn
Sau hơn 2 năm thi công, các hạng mục đầu tiên của Bến xe Miền Đông mới vẫn chưa được đưa vào khai thác
Giai đoạn 1 của dự án có vốn đầu tư khoảng 740 tỷ do Tổng Công ty cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn làm chủ đầu tư. Các hạng mục đầu tiên như nhà ga trung tâm, nơi đón – trả khách, khu vực đậu xe chờ tải… từng được kỳ vọng sẽ đưa vào khai thác vào dịp Tết Nguyên đán năm 2018 nhưng lại bị lùi đến ngày 15/8/2019. Tuy vậy, đến nay các hạng mục đầu tiên của Bến xe Miền Đông mới vẫn chưa thể đưa vào hoạt động.